Chủ đề: "Hồn Quảng" giữa lòng TP. Hồ Chí Minh --------------------------------------------------
"Hồn Quảng" giữa lòng TP. Hồ Chí Minh
Hầu hết con cháu Quảng Nam ra đi vì sinh kế đều xuất thân từ nhà nông, trong máu huyết của họ có rơm rạ đang chảy. Điều đáng nói là dù thành công hay thất bại và có phải bắt buộc đảm trách vai trò “đứng mũi chịu sào”, nhưng khi có thể được, họ đều muốn lui về nơi chôn nhau cắt rốn, chí ít cũng lập “một góc Quảng Nam nhỏ” ở nơi mình đang sinh sống để được gần gũi thiên nhiên, tìm vui ở hình ảnh cái cày, bờ ao, khóm tre, giếng nước, bụi chuối sau hè…
Cà phê “Xưa & nay” - “núm ruột” Quảng Nam.
“Hồn Quảng” giữa lòng TP. Hồ Chí Minh đơn giản là nghệ thuật sắp đặt nhóm nhà cổ dùng làm nhà ở trước khi có ý định mở cà phê sân vườn Xưa & nay. Trong không gian rộng 800m2, giáp hai mặt tiền. Dưới các dãy đèn lồng, các tán dù đủ màu sắc và bóng cây xanh, thấp thoáng một góc Quế Sơn yên tĩnh, rất hiếm hoi trong cái náo nhiệt, bề thế của nhà cao tầng. Đến với cà phê Xưa&Nay (2/136 Lê Thị Hà, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) trước hết là đến với nếp nhà xưa, hồn Quảng cũ, nơi lưu giữ, tồn cổ các hiện vật có tuổi thọ hơn 150 năm, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm do ông cha để lại.
Ông Trần Hùng - chủ quán cà phê “Xưa & nay”.
Chủ nhân của “hồn Quảng” là anh Trần Hùng - người con Quế Hiệp, Quế Sơn, Quảng Nam. Anh vào Nam từ năm 1968, tận dụng đôi tay “cày lên sỏi đá” chống đỡ nắng gió Sài Gòn để vươn lên. Không có cái may biết nhiều về anh, nhưng cứ nhìn việc anh đã làm tại sân vườn Xưa & nay, dù với chủ đích nào, ít nhiều tôi cũng hình dung được: nói thương quê nhớ kiểng ít ít, làm nhiều nhiều cho quê. Bài viết đi ra từ lòng quí trọng một đồng hương nghiêng vai khuân vác ba ngôi nhà cổ, mười một cối đá (có cái nặng tới 300kg), một cái giếng, cối xay lúa, xay bột, chum nước, cây xanh lẫn hàng trăm nông cụ từ Quế Sơn, Hội An vào TP. Hồ Chí Minh.
Sẵn máu huyết xứ sở, tôi cẩn trọng bước vào ngôi nhà rường cổ, bốn tránh, ba gian hai chái, 36 cột, lợp ngói âm dương. Gian chính diện trần thiết bàn thờ tổ tiên bằng gỗ cẩm lai, cẩn xà cừ với đầy đủ bát hương, chân đèn, ảnh thờ. Bên trên là ba bức hoành phi ở ba gian và nhiều câu liễn khắc chữ chìm dát bạc, đính ở dãy cột chính từ bàn thờ ra cửa. Toàn bộ cấu trúc gỗ của ngôi nhà được chạm trổ hình tượng các con vật và hoa lá rất tỉ mỉ, công phu bởi bàn tay tài hoa, khéo léo đẻo gọt của nghệ nhân Kim Bồng. Gian trước của ngôi nhà là bốn bộ trường kỷ, mỗi bộ có ấm chén cổ riêng, sắp thành dãy kế liền nhau ở ba gian. Bên hông trái là bộ ván gõ bóng loáng, có cặp gối bông như đang chờ đợi người trăm năm cũ về ngả lưng nghỉ trưa. Liền sát bàn thờ gia tiên bên phải lỉnh kỉnh mâm, thau, khay, nồi đồng; ang, ô, ống gạt lường lúa; quạt mo, bắp, lúa giống, hạt đậu, mè và cả… đá kiểng.
Phải mất nửa tiếng nấn ná với ngôi nhà, lòng bồi hồi cứ ngỡ mình đang ngồi ở làng cổ Tiên Lãnh, Tiên Phước, Quảng Nam. Một góc “Quảng Nam nhỏ” nhưng tiềm ẩn biết bao nghĩa tình mà bất cứ người con xa quê nào khi đến đây cũng rưng rức nhớ về “nếp nhà” thời cha ông lưng cõng gạch vôi lăn lóc dựng nhà, tay vót tầm vông chống giặc.
Chậm rãi đi qua hàng hiên, ngoài đèn lồng Hội An còn có cối xay lúa đã móc cần vào tai cối nhưng không có người xay (vì đã có máy xay hiện đại), bên cạnh là cối xay bột, sát liền lu nước, gáo mo đài. Trời Sài Gòn đang mùa mưa, tôi chợt thèm bánh xèo dế quê nhà! Bên phải hiên là chỗ để nông cụ phục vụ nông nghiệp: cày, bừa, cuốc, xẻng, trạc, thúng gióng, đòn xóc, đòn gánh, gọng, sào trủ, giỏ, nơm bắt cá, tơi lá, nón cời… nằm lăn lóc, không theo một trình tự sắp đặt nào. Hỏi chủ nhân, anh Hùng bảo: “Ông cha mình ngày xưa, cả ngày lăn lóc ngoài đồng về mệt đứt hơi, đói rã ruột, còn tâm trí đâu nghĩ đến chuyện sắp đặt đâu vào đó”. Chỉ một chi tiết hết sức nhỏ nhưng phổ biến mà tôi cũng không nghĩ ra, đủ thấy hồi ức sâu sắc ở anh Hùng là thăm thẳm. Bọc qua hiên phải, cạnh ao nuôi cá để đến hè sau, một hàng chuối sứ đang khoe nụ, đan xen vài cụm trúc, gợi nhớ thời ở quê, ra ngõ gặp tre, ra vườn gặp chuối.
Những vật dụng xưa của người Quảng được gìn giữ.
Anh Hùng đưa tôi lên mấy bậc cầu thang để đến căn nhà gác cổ, kiểu Hội An, hướng mặt ra đường lộ chính. Từ dưới đường nhìn lên, người ta dễ dàng nhận ra một góc phố cổ Hội An với vòm mái thấp, cửa bốn cánh, đèn lồng, tường, ngói âm dương đượm màu rêu phong cổ kính. Phía sau căn gác, bên cạnh dãy mười cối đá là một cái giếng cổ xây bằng đá xanh, nước trong leo lẻo. Bất giác hồn giếng Bá Lễ, Hội An hiện về qua xác giếng Quế Sơn. Ngồi ở trung tâm quán cà phê Xưa & nay người đến đây uống cà phê, thư giãn đều thấy rất rõ nhà thủy tạ hình vòng cung, kiến trúc theo kiểu cổ, tọa lạc trên một ao sen, cá tung tăng lội.
Nhìn chung, quần thể nhà cổ Xưa & nay là một dạng nghệ thuật sắp đặt theo ý tưởng độc đáo (vừa độc quyền) của chủ nhân, nhưng chặt chẽ và thanh thoát. Theo lời anh Hùng, thì đây là điểm hẹn của khách thập phương, vốn yêu phong cách Quảng, còn là nơi gặp gỡ của đồng hương xa quê, có dịp trao đổi kinh nghiệm làm ăn, những vui buồn, được mất của nhân thế. Nhưng theo tôi, nơi này còn là “núm ruột Quảng Nam” với người đương thời lẫn con cháu ở TP. Hồ Chí Minh, họ không chỉ biết nhìn mà còn biết thấy, không chỉ biết suy nghĩ mà còn biết cảm nhận, không chỉ nói yêu quê hương suông mà cần làm một điều gì đó, dù nhỏ mà có ích cho quê nhà, xã hội một cách cụ thể.
Những tấm lòng nhân nghĩa của người đồng hương với quê nhà còn nhiều lắm. Có người tôi đã gặp, có người âm thầm làm việc nghĩa ở đâu đó, nhưng khi có dịp tôi muốn tôn vinh họ- những người con xuất sắc của đất Quảng Nam, trong đó có anh Trần Hùng, Quế Sơn.
Chủ đề: "Hồn Quảng" giữa lòng TP. Hồ Chí Minh --------------------------------------------------
hồn quảng nên mở rộng tí , mình cũng người quảng , nhưng quảng ngãi , nói chung là người quảng chúng ta phải đáng tự hào , chất phát , thật thà và kiên trì
Chủ đề: "Hồn Quảng" giữa lòng TP. Hồ Chí Minh --------------------------------------------------
datquangmobile đã viết:
hồn quảng nên mở rộng tí , mình cũng người quảng , nhưng quảng ngãi , nói chung là người quảng chúng ta phải đáng tự hào , chất phát , thật thà và kiên trì
ok bạn, Quảng Ngãi, Quảng Nam gì cũng chào đón hết. Mình có phải làm trong quán này đâu. Quán này gần nhà mình í mà. Khi nào bạn có dịp ghé đó pm mình,hihi