Trang ChínhTrang Chính  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  Quên Mật KhẩuQuên Mật Khẩu  

Trang ChínhTrang Chính  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  Quên Mật KhẩuQuên Mật Khẩu  

Gửi bài mới Trả lời chủ đề này
#1Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Empty Tue Aug 23, 2011 3:09 pm


minhquebinh
minhquebinh
Thành Viên VIP
Thành Viên VIP
   https://www.facebook.com/tranminhthu11112007
Thông Tin minhquebinh
Giới tính : Nữ
Đến từ : HCM
Biệt danh : m
Tuổi : 43
Ngày tham gia : 12/08/2010
Posts : 760
Points : 1437
Thanked : 98

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Vide

Bài gửiTiêu đề: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'

Chủ đề: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'
--------------------------------------------------

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'


(VTC News) - Mẹ mất sớm, bố bỏ đi biệt tích. Chính chị gái “dẫn vào đời” bằng cách cho dùng ma túy rồi ép đi hát rong xin tiền về nuôi chị. Chạy trốn khỏi người chị gái độc ác khi đã bị nghiện ma túy, em dạt về một bến xe, lại hát xin tiền để mua ma túy...

Đó là cuộc đời đầy oan trái, quằn quại vì ma túy của chàng thành niên 20 tuổi tên Nguyễn Văn Bi, sống ở bến xe Niệm Nghĩa, Hải Phòng đã gần chục năm nay.

Ám ảnh một số phận…

Tôi biết đến cuộc đời bi thương của Bi từ một cuộc triển lãm ảnh mang tên “Đối mặt với ma túy” của nhiếp ảnh gia Hoài Thanh hồi tháng sáu vừa rồi tại Hà Nội.

"Em mong muốn được uống Methadone lắm, nhưng các anh chị ở trung tâm bảo em không có hộ khẩu cho nên không được dùng Methadone… Mẹ em chết lâu rồi, bố thì bỏ đi biệt tích. Chị gái em đã cho em dùng ma túy khi em còn nhỏ và bắt em đi hát xin tiền về nuôi vợ chồng chị hút nên em đã bỏ đi và dạt xuống bến xe Niệm Nghĩa này...”
Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Nguyenvanbi1
Bi kiếm sống ở bến xe



10 giờ sáng tôi có mặt ở bến xe Niệm Nghĩa. Cái nóng mùa hè như oi ả, bức bối hơn nơi bến xe chật chội, nhếch nhác.

Thấy tôi ngó nghiêng tìm kiếm, một anh phụ xe ra hỏi chuyện. Vừa nghe tôi hỏi Bi thì anh hỏi lại ngay: “Chị gái Bi hả?”. Tôi thắc mắc vì trước đó một bác xe ôm được tôi hỏi thăm về Bi cũng hỏi tôi một câu tương tự. Anh giải thích: “Thì ở đây làm gì có ai hỏi thằng Bi đâu”.

Anh giới thiệu anh là Trần Văn Oai, 30 tuổi, quê ở Thái Bình, chạy xe tuyến Thái Bình – Hải Phòng đã hơn chục năm nay và thấy Bi ở bến xe này cũng gần chục năm rồi.

Anh kể: “Nó (Bi) nghiện nhưng mọi người ở đây đều yêu quý nó vì nó ngoan, không nói láo, không trộm cắp”. Tôi cảm ơn anh và hỏi anh chỗ nào có thể tìm Bi. Anh bảo chịu, nó lang thàng gầm cầu, xó chợ, biết đâu mà tìm. Rồi anh chỉ vào hàng nước gần đó nói: “Ra kia mà hỏi chị Loan bán nước kia kìa”.

Thấy tôi hỏi chuyện về Bi, chị Loan có vẻ ngạc nhiên, nhưng vẫn đon đả kể: “Thằng đó phường người ta gọi đi mấy lần rồi, nhưng không có quê hương bản quán gốc tích gì nên người ta lại thả về. Trước nó cũng có cái xe đạp làm chỗ cất giữ hay di chuyển mấy bộ quần áo cũ, thỉnh thoảng cũng có điện thoại nữa. Nhưng “bay” hết cả rồi ...”

Ngồi nói chuyện một hồi với chị Loan vẫn không thấy bóng dáng Bi đâu, thấy tôi tỏ vẻ 'sốt ruột', chị Loan gợi ý: “Hay em qua quán nước bà Hà phía đầu bên kia xem sao, thường ngày vẫn thấy nó hay vạ vật nằm ở mấy cái ghế đá gần quán nước đó”.

Theo lời chị Loan, tôi lại di chuyển sang quán nước của chị Hà, ngồi uống nước và chờ Bi. 12 giờ trưa, chợt nghe Đông (đang ngồi đánh giầy cho khách ở gần đó) gọi: “Chị ơi, thằng Bi đây này! Bi ơi có chị này tìm mày”.

Tôi ngỡ ngàng không tin nổi cái người mà tôi đang đối diện là Bi mà tôi đã thấy qua những tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Hoài Thanh đã chụp em gần một năm trước. Bi gầy guộc, xiêu vẹo đến thảm hại.

Ma túy đã hút cạn những tàn lực cuối cùng trong em đến độ dường như em không có sức nâng nổi cái đầu của mình, nó cứ nghặt nghẹo về một bên, cái lưng gẫy gập lại như người đang phải cõng vật nặng, đôi tay thì buông thõng thượt như con chim sẻ gẫy cánh, đôi mắt đờ đẫn thả cái nhìn vô định, dù em đang đối diện nói chuyện với tôi. Có cảm tưởng như việc mấp máy đôi môi thâm xì vì dùng ma túy nhiều năm với Bi cũng là một việc khó nhọc.

…Đến tấn trò đời

Tôi kể chuyện tôi biết em qua một triển lãm ảnh về ma túy. Em ngơ ngác không hiểu gì. Tôi nhắc em về một anh đã chụp ảnh cho em gần một năm trước thì một lúc em mới “À” lên. Rồi em hồn nhiên hỏi: “Em được lên báo hả chị? Người ta cũng nói em được lên báo nhưng em không biết. Chị có tờ báo đó không? Cho em nhé!”. Tôi hứa lần gặp sau tôi sẽ mang cho em cuốn sách ảnh. Em cảm ơn rối rít. Rồi như gặp lại người quen, em cởi lòng chia sẻ với tôi câu chuyện buồn cuộc đời mình.

Nhà Bi có bốn chị em. Hai chị gái đã đi lấy chồng, một chị đang ở tù vì buôn bán ma túy, một em trai 9 tuổi đang sống với người cậu ở quê (Đồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình). Bố mẹ Bi bỏ quê ra Hà Nội làm thuê nuôi con. “Ngày ấy nghèo nhưng mà gia đình còn được sum vầy. Mẹ mất cái là mỗi người một nơi”.

Bi kể, cách đây gần chục năm, mẹ Bi mất vì tai nạn. Khi mẹ mất, đứa em trai Bi còn quá nhỏ chưa biết gì nên cứ ngồi dưới chân mẹ mà cười.

Sau khi mẹ mất, bố dắt mấy chị em vào Đồng Nai ở với cậu mợ rồi bố cũng bỏ đi luôn từ đó. Hai chị gái vì không chịu đựng được vất vả đã bỏ về Bắc.

Một thời gian sau, chị cả lấy chồng rồi vào Đồng Nai đón nốt Bi và em trai ra. “Chị nói ra ở với chị, chị sẽ nuôi cho ăn học. Nhưng chị ý đã lừa em. Chị cho em dùng ma túy, dẫn em vào đời rồi bắt em đi hát rong xin tiền về nuôi vợ chồng chị “hút”. Ở đó, em thường xuyên bị đánh đập. Cực khổ quá chịu không nổi, hơn một năm sau thì em bỏ đi và “dạt” xuống bến xe này từ ngày đó. Đến nay cũng 6,7 năm rồi”.


Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Nguyenvanbi2_1
Mỗi câu chuyện về cuộc đời của Bi là một tấn bi kịch đang xảy ra giữa đời thường

Tôi hỏi chuyện chỗ ăn ngủ của em. Ngừng một lát Bi mới miễn cưỡng trả lời một cách hững hờ như cách người ta miễn cưỡng trả lời một câu hỏi ngờ nghệch: “Mùa đông lạnh quá thì có khi em cũng thuê phòng trọ, mùa hè thì chỗ nào mát là ngủ, ngủ đâu chả được…”

Ngồi nhìn cái bộ dạng tàn tạ của em mà ngao ngán, tôi cố vớt vát chút hi vọng vào một điều thần kì khi đặt ra giả thuyết là một ngày em sẽ cai được ma túy, nhận lại một cuộc đời đã bị chính những người ruột thịt của em đánh cắp như em kể.

Nghĩ đến cái lối thoát duy nhất ấy, tôi hỏi em: Sao em không cố gắng quyết tâm từ bỏ ma túy đi? Trước câu trả lời có chút ngậm ngùi nhưng dứt khoát của Bi, tôi mới thấy cái hi vọng của mình sao mà “ngây thơ”: “Làm sao mà cai được hả chị. Khó lắm chị ơi. Người ta có gia đình bên cạnh quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe, có tiền để ăn uống, thuốc thang còn chẳng cai được. Em đây chẳng có gì. Không người quan tâm bảo ban, chăm sóc, không tiền, đến sức khỏe cũng không có, chị bảo cai làm sao được!”.

Tôi chua xót hỏi em: “Thế đành bất lực à, chịu chết à?”. Em bảo: “Cơ hội cuối cùng của em là được uống thuốc methadol. Đời em giờ hi vọng vào mỗi thuốc đó thôi. Nhưng không được. Người ta bảo phải có hộ khẩu, phải có chứng minh thư. Em thì không có giấy tờ gì cả”.

Em kể với tôi về một cơ hội cai ma túy em đã dự định làm nhưng không thành. Ấy là cách đây hai năm, Bi có một người bạn gái tên Linh ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã thương yêu mà theo về sống ở bến xe này với Bi. “ Em giấu chuyện em nghiện. Em cũng định để một thời gian sẽ nói cho nó biết. Có nó ở bên cạnh, dần dần em sẽ cai và tìm một công việc đàng hoàng để làm. Nhưng mình còn chưa kịp làm gì thì nó đã bỏ mình đi rồi…”

Bi còn khoe với tôi về một cơ hội được quay lại cuộc đời khác cũng đã vụt khỏi tầm tay: Mấy năm trước, có một cô nhà ở gần đây, em hay đi hát kiếm tiền qua nhà cô. Em không biết cô làm gì, nhưng cô giàu lắm. Một lần cô gọi em vào hỏi han rồi cô ấy bảo, giá em không nghiện thì cô sẽ nhận em làm con nuôi. Một lần khác cô lại gọi em vào bảo cô sẽ trả tiền cho em đi cai nghiện và nhận em làm con nuôi. Em chưa kịp vui mừng thì lại nghe cô báo, cô phải đi nước ngoài gấp, chồng cô gọi. Từ đó em không gặp lại cô nữa”.

Khi đầu óc tôi vẫn còn vấn vương với câu chuyện thần tiên về một người phụ nữ giàu có sẽ cho em đi cai nghiện và nhận em làm con nuôi cũng như nỗi thất vọng không bến bờ của em khi giấc mơ đổ sụp, Bi vội vã đứng lên xin phép được tiếp tục công việc của mình.

Tôi đứng dậy cáo từ, hẹn sẽ quay lại mang cho em cuốn sách ảnh có câu chuyện cuộc đời em cùng rất nhiều câu chuyện ma túy khác. Đã bước khỏi cái ngột ngạt và ồn ã như muốn bóp nghẹt nồng ngực ở bến xe mà tôi vẫn không làm sao xóa đi hình ảnh cái thân hình nhỏ bé, lòng khòng bước những bước xiêu vẹo, đổ gập; đôi cánh tay lúc não cũng buông thõng, mỏi mệt như chú chim non gẫy cánh và đôi mắt thì đờ đẫn, vô hồn…

(Còn nữa...)
Hương Hoàng - vtc.vn

Chữ ký của minhquebinh



Trả lời nhanh

#2Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Empty Tue Aug 23, 2011 3:21 pm


minhquebinh
minhquebinh
Thành Viên VIP
Thành Viên VIP
   https://www.facebook.com/tranminhthu11112007
Thông Tin minhquebinh
Giới tính : Nữ
Đến từ : HCM
Biệt danh : m
Tuổi : 43
Ngày tham gia : 12/08/2010
Posts : 760
Points : 1437
Thanked : 98

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Vide

Bài gửiTiêu đề: Re: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'

Chủ đề: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'
--------------------------------------------------

Đằng sau bi kịch của cậu trai bị chị gái 'dẫn vào đời'


(VTC News) - Tôi nhìn thấy đằng sau những lời dối gian, những xảo thuật kiếm tiền của kẻ nghiện ma túy ấy là một bi kịch có thật.

Bi kịch của một thanh niên vùng vẫy tuyệt vọng với cuộc đời không lối thoát; bi kịch của một con người bị cả xã hội ghét bỏ, xa lánh, bất cứ ai cũng có thể có quyền chửi bới, lăng mạ; bi kịch của một người không gia đình, không quê hương bản quán, bị trật ra ngoài lề xã hội bởi không có hộ khẩu. Tất cả chỉ vì ma túy…

Thương thay cũng một kiếp người

Nhớ lời hẹn sẽ tặng Bi cuốn sách ảnh có in hình em, gần một tuần sau tôi quay lại bến xe Niệm Nghĩa tìm Bi. Lần này, nắm được “lịch” của Bi nên tôi đến thẳng quán nước của chị Hà.

Một lát thì Bi xuất hiện với bộ dạng còn tàn tạ hơn lần tôi gặp em trước đó. Vừa chào tôi em đã hỏi ngay: “Chị có mang tờ báo cho em không?”. Tôi rút cuốn sách, trân trọng trao cho em, nghĩ em sẽ hào hứng và nâng niu lắm.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Nguyenvanbi5_1_1
Cuộc đời Bi qua những trang ảnh của nhiếp ảnh gia


Em ngồi trên ghế băng quán nước xem sách nhưng cái lưng rạp xuống như sắp gãy, cái đầu nghiêng ngả đổ gục, đôi mắt lim dim, gà gật, chốc chốc lại như người vừa ngủ gật choàng tỉnh dậy, tay vẫn đặt trên trang sách có kể câu chuyện cuộc đời em bằng những tấm ảnh.

Một anh lơ xe chạy tuyến Hải Phòng – Thái Nguyên cũng ngồi uống nước ở đó nhìn Bi lắc đầu: “Thằng này hai năm nữa là ngồi trên nóc tủ thôi”.

Một lát thấy em tỉnh lại, tôi hỏi chuyện: Đang “phê” đấy à? - Vâng, em vừa “chơi” xong – Từ sáng đến giờ kiếm được bao nhiêu rồi? – Hơn trăm – Cũng nhiều đấy chứ - Hì, hết rồi.

Lật qua những trang sách, Bi đưa cho “các bạn” cùng xem rồi nói tôi cứ ngồi đây đợi, em phải lên hát đã, có một xe sắp xuất bến. Cứ như vậy, tôi ngồi đợi Bi “làm việc” và nghe “các bạn” của Bi bình phẩm, có người còn tị nạnh vì “Thằng Bi được lên báo”. Nghe mà chua xót.

Làm việc xong, Bi trở lại quán nước. Vừa lúc đó ông Tổ trưởng tổ bốc xếp cũng đang xem bức ảnh người ta chụp Bi hơn một năm trước. Rồi đột nhiên như bị ong đốt, ông ta nhảy dựng lên, phồng mang trợn mắt dội vào Bi những lời chửi bới, thóa mạ và dọa dẫm: “Đánh cho mày chết bây giờ. Tống cổ mày khỏi đây bây giờ”.

Thì ra Bi đã “can tội dám đứng trước tổ bốc xếp để chụp ảnh làm mang tiếng chúng ông, hóa ra tổ bốc xếp chúng ông là nghiện à?”. Mặc kệ ông tổ trưởng tha hồ thóa mạ, dọa dẫm, có lúc tưởng như muốn nhảy ngay vào Bi mà đánh, Bi chỉ lầm lũi cúi mặt đầy cam chịu, không nói một lời.

Tôi chết lặng trước nỗi oan ức “tày trời” của em. Tôi chỉ muốn xông đến trước mặt lão tổ trưởng mà thanh minh cho Bi rằng đó không phải là lỗi của Bi, chỉ là người chụp ảnh đã lựa chọn khoảnh khắc đó và điều này cũng sẽ chẳng gây ra sự hiểu nhầm tai hại nào cho tổ bảo vệ của ông như ông nghĩ. Nhưng tôi chỉ im lặng trước sự hóa đá của Bi.

Rồi em rủ tôi đi ăn trưa. Em sốt sắng mang giúp tôi cái ba lô còn to hơn người em và dẫn tôi vào quán cơm trong bến xe. Vừa bước vào quán, chị chủ quán còn trẻ và khá xinh đã “hắt” vào mặt Bi một tràng dài những câu chửi bới vì tội em đã “ăn vạ” cái túi quần áo mà em đã kín đáo giấu tận dưới gậm bàn trong góc bếp của chị: “Mày mà không mang ngay cái túi đó đi chỗ khác là tao vứt đi đấy”.

Chị thả sức chửi bới, dọa nạt dù em đang là khách hàng của chị. Có lẽ vì đã quá quen với việc bị chửi bới, dọa nạt nên Bi, dù có ngại với tôi cũng vẫn cứ nhẫn nhịn đứng trước mặt chị chủ quán, hứng chịu tất cả để gọi món ăn. Nhưng chị chủ quán cũng chẳng vì cái sự nhẫn nhịn, ngoan ngoãn của em mà nhân nhượng, chị vẫn tiếp tục xua đuổi: “Mày cứ tránh xa ra, gọi món gì tao sẽ cho người mang ra”.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Nguyenvanbi4_1
Bi dặt dẹo như chính cuộc đời của mình

Chứng kiến cái cảnh ấy, tôi thấy lòng dâng lên nỗi chua xót vô hạn cho phận bé mọn đến tội nghiệp của em. Còn em thì vẫn cứ lầm lũi đứng đó đầy cam chịu, cẩn thận hỏi giá tiền trước khi gọi một con cá sốt và một bát canh chua lõng bõng mấy cọng hành. Thức ăn được mang ra, Bi chăm chú ăn, chốc chốc lại quay sang xin lỗi vì làm vãi những hạt cơm hay gắp rơi thức ăn. Nhìn cảnh ăn uống nhếch nhác đến tội nghiệp của một chàng trai đã 20 tuổi mà tôi thấy lòng nghẹn đắng.

Một ông lão chừng hơn 60 tuổi ngồi uống rượu với một đĩa lòng lợn ở bàn bên cạnh, nãy giờ vẫn ngồi quan sát chúng tôi, khi được Bi giới thiệu tôi là “chị nhà báo” thì ông không giấu cái cười nhạo: “Chắc là mới ra trường, đi thực tập, còn ngây thơ nên bị lừa”. Tôi không bực bội trước những lời ông già vừa phán xét về mình, nhưng có thoáng buồn. Cũng là một con người, nhưng có những người sinh ra để nhận sự ghẻ lạnh, hoài nghi, đề phòng và khinh ghét của đồng loại, như Bi.

Vĩ thanh…

Chia tay Bi, tôi trở về mà lòng nặng trĩu với câu chuyện về cuộc đời vô vọng của một chàng trai nghiện ma túy sắp được “lên ngồi nóc tủ” mà không thể viết. Tôi lẫn lữa, định để câu chuyện đó cho riêng mình.

Bẵng đi một thời gian, một ngày tôi gặp một người bạn người Hải Phòng. Biết nhà bạn gần bến xe Niệm Nghĩa, tôi mới khoe vừa xuống đó tìm hiểu về một cậu bé nghiện ma túy sống ở bến xe này. Không đợi tôi kể tiếp, người bạn nọ đã nói ngay: “Cái thằng hát rong xin tiền trên xe chứ gì?”. Thấy tôi ngạc nhiên, bạn giải thích: “Nhà tôi cách bến xe Niệm Nghĩa 400m, tôi lạ gì thằng này. Một lần tôi đã đánh nó một trận thừa sống thiếu chết”.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Nguyenvanbi6
Nhiều người ghen tỵ với Bi vì cậu được lên báo, nhưng có ai biết được đằng sau câu chuyện của Bi là một tấn bi kịch

Nghe đến đây tôi lại ngạc nhiên hơn nữa. Rồi tôi được bạn cho biết, một lần có việc đi xa, xe chuẩn bị lăn bánh thì Bi lên hát xin tiền. Biết Bi xin tiền để chơi ma túy nên bạn không cho và gục xuống ngủ tiếp. Tưởng bạn đã ngủ nên Bi thò tay móc ví của bạn nhưng bị bạn phát hiện và đánh cho một trận tơi bời. “Nói chung những gì nó nói thì chỉ tin được 1% thôi” – Bạn tôi cảnh báo.

“…Em không ăn cắp, ai nhờ gì thì em làm, em hát xin tiền thôi… Em không văn vở đâu, văn vở thì người ta ghét, làm sao mà tồn tại được… ”. Những lời Bi kể chuyện hôm nào lại văng vẳng bên tai. Rồi lời của ông già ở quán cơm hôm nào. Tôi thấy lòng tê tái.

Không phải vì nỗi thất vọng khi bị em lừa dối. Không phải vì lòng tin và tình yêu thương chân thành mà tôi dành cho em đã bị phản bội bởi một con nghiện ma túy đã quá quen với sự dối trá. Tôi không “ngây thơ” đến độ tin tất cả những câu chuyện rất mùi mẫn. Tôi xót xa vì một lẽ khác...

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Nguyenvanbi3
Dù thật, giả như thế nào đi nữa. Bi vẫn là một kẻ nghiện ma túy, bị sự
ruồng bỏ của cả một xã hội với nỗi đau quằn quại và một khát vọng sống điên cuồng

Bởi tôi không nhìn những lời nói dối ấy là một sự phản bội lại lòng tin của tôi hay lòng tốt của bao khách thập phương gần chục năm qua đã thương cảm mà nhường cơm sẻ áo cho em.

Tôi chỉ nhìn thấy đằng sau những lời dối gian, những xảo thuật kiếm tiền của một kẻ nghiện ma túy ấy là một bi kịch có thật, bi kịch của một thanh niên vùng vẫy tuyệt vọng với cuộc đời không lối thoát; bi kịch của một con người bị cả xã hội ghét bỏ, xa lánh, bất cứ ai cũng có thể có quyền chửi bới, lăng mạ; bi kịch của một người không gia đình, không quê hương bản quán, bị trật ra ngoài lề xã hội bởi không có hộ khẩu. Tất cả chỉ vì ma túy...

Một cuộc đời 20 cái xuân xanh chỉ quằn quại trong ma túy. Đối mặt với ma túy ư? Tôi tự hỏi trong cái thân hình xiêu vẹo, dúm dó, tàn kiệt của Bi còn có gì để giúp em đối mặt với cái thứ chết trắng có sức hủy diệt ghê gớm kia, khi em chỉ hoàn toàn đơn độc?!

Hương Hoàng - Phan Mạnh - vtc.vn

Chữ ký của minhquebinh



Trả lời nhanh

#3Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Empty Tue Aug 23, 2011 4:03 pm


minhquebinh
minhquebinh
Thành Viên VIP
Thành Viên VIP
   https://www.facebook.com/tranminhthu11112007
Thông Tin minhquebinh
Giới tính : Nữ
Đến từ : HCM
Biệt danh : m
Tuổi : 43
Ngày tham gia : 12/08/2010
Posts : 760
Points : 1437
Thanked : 98

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Vide

Bài gửiTiêu đề: Re: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'

Chủ đề: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'
--------------------------------------------------

Đi tìm đoạn kết của cậu trai bị chị gái 'dẫn vào đời'



(VTC News) - “Chị tưởng em muốn thế này à? Em mệt mỏi lắm rồi! Chị có dính vào nó đâu mà chị hiểu được …”

Tôi đã không dám tin vào một phép màu có thể cứu chuộc cuộc đời Bi. Tôi sợ tiếp tục hành trình sẽ chỉ gặp nỗi tuyệt vọng. Nhưng trước những tâm sự, động viên của đồng nghiệp, trước những day dứt khôn nguôi, tôi lại lên đường...

“Em đưa ra một số phận thảm thương như vậy rồi bỏ lửng ở đó ư? Cần có một cái kết, cho dù là một cái kết buồn…”, một đồng nghiệp có kinh nghiệm nói.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi1
Anh Trung nói: Cơ hội sống của Bi mỏng manh lắm

Tôi bắt đầu hành trình của mình bằng việc tìm đến đồn công an phường Nghĩa Xã, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng, bến xe Niệm Nghĩa nằm trong địa bản của Phường và chỉ cách đồn công an chừng 500m. Hôm đó la ngày nghỉ, nhưng đồn côn an vẫn có người trực.

Vì là ngày cuối tuần nên tôi không hi vọng sẽ có câu trả lời nhanh chóng từ các anh công an. Tôi quyết định chuyển hướng, tìm về quê của Bi trước. Quay lại bến xe Niệm Nghĩa tìm Bi để hỏi thêm thông tin cho rõ ràng hơn, nhưng chưa đến giờ “làm việc” của Bi, tôi buộc phải đợi.

Trong khi chờ đợi Bi, tôi tìm gặp và hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Trung, nhân viên phòng điều hành của bến xe. Anh chân thành tâm sự: “Chúng tôi cũng biết Bi nghiện, nhưng cũng không lỡ đuổi vì nó nghiện nhưng rất ngoan. Nó chỉ hát xin tiền chứ không trộm cắp bao giờ. Bến xe chúng tôi chưa hề nhận được một phản ánh nào về việc nó trộm cắp. Thôi thì để nó ở đấy để ăn mày lòng tốt của khách thập phương mà sống chứ đuổi nó ra đường thì nó biết bám vào đâu…”.

Tôi hỏi chuyện anh Trung về việc công an có bắt Bi mấy lần nhưng rồi lại thả Bi ra, Bi muốn được cai nghiện bằng methadol nhưng không được vì không có hộ khẩu, anh Trung than: “Cai nghiện ma túy khó lắm, khó vô cùng! Thằng em trai út của tôi cũng nghiện ma túy, giờ đang ở trại trong Thanh Hóa nên tôi biết. Phải bản lĩnh lắm và phải có gia đình bên cạnh nâng đỡ thì mới mong cai được … Vào trại cũng khó vì phải có gia đình đóng tiền, phải có nhân thân rõ ràng, rồi thì phải có sức khỏe nữa. Như thằng Bi thì … ”. Câu chuyện của chúng tôi đứt đoạn bởi những tiếng thở dài của anh Trung.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi3_1
Nhiều lần cơ hội được cai nghiện của Bi đã không thành vì những trở ngại khách quan

“Cũng từng có người đã dẫn nó về nuôi để cai nghiện nhưng nó không chịu được, lại bỏ đi. Người tốt ấy chính là bạn của chị Huyền bán nước ở ngoài kia. Cô ra đó mà hỏi thì sẽ rõ”. Tôi cảm ơn anh Trung rồi đi ra phía ngoài.

Vừa ăn xong bữa trưa, người phụ nữ đã bước vào tuổi trung niên nhưng khuôn mặt còn lưu giữ nhiều nét đẹp sắc sảo nhiệt tình tiếp chuyện tôi.

Chị giới thiệu chị sống ở đường Vòng Vạn Mỹ, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, cách bến xe Niệm Nghĩa 10km và đã ở bến xe 23 năm nay. “Thằng Bi thì chị lạ gì, chị coi nó như con. Chị hay xin quần áo cho nó, thỉnh thoảng nó hút hết cả tiền ăn thì chị lại cho nó ăn. Bây giờ cuối tuần nó hay đi sinh hoạt với CLB Đồng đẳng gì đó về phòng chống HIV, khi về nó lại mang hoa quả mời bọn chị đấy. Nó ngoan lắm, ai nhờ gì cũng làm, chỉ hát xin tiền thôi chứ không trộm cắp đâu. Ai mà nói nó trộm cắp thì oan cho nó. Ở đây cũng có mấy đứa nghiện nữa. Có thể người ta nhầm nó với đứa khác đấy thôi, chứ đừng nói nó trộm cắp mà phải tội …” – Chị Huyền một mực minh oan cho Bi khi tôi thắc mắc chuyện Bi đã từng ăn cắp.

Khi tôi hỏi chuyện về một người tốt đã từng cưu mang Bi, giúp Bi cai nghiện ma túy, chị Huyền ngậm ngùi kể. Người đàn ông tốt bụng đó là anh Tín, làm việc ở Công ty Xăng dầu Hàng không. Nhà anh ở ngay sau bến xe Niệm Nghĩa

“Nhưng nhà đó người vợ trẻ của anh bán đi và bỏ về quê ở Thái Nguyên sống rồi. Một năm trước, cũng những ngày mưa tháng bảy, anh Tín đã bị bắt vào tù với án phạt 12 năm. Anh ấy là người tốt nhưng phải cái nóng tình. Một lần say rượu, anh có xô xát với một người, không may người kia lại chết nên anh phải đi tù. Lúc ấy anh 53 tuổi …”

Chị Huyền kể, biết hoàn cảnh của Bi, lại thấy Bi ngoan ngoãn, mặt mũi sáng sủa, đúng ngày lễ 30/4/2009, anh Tín đưa Bi về nhà để nuôi và giúp Bi cai nghiện. Nhưng anh chỉ cai “bo” mà không có thuốc thang hỗ trợ, “vật” quá nên Bi không chịu được. Mấy ngày sau thì Bi lại trốn “Bố Tín” về lại bến xe. “Khổ, khi Bi bỏ đi, anh Tín còn ra bến xe gửi cho nó bộ quần áo mới, một cái thắt lưng và một ít đồ ăn nữa. Nhưng Bi không dám nhận. Nó xấu hổ”.

Tôi còn đang mải mê với những tiếc nuối về một cơ hội “ngàn vàng” khi một người tốt bụng mở cho em một “lối về” nhưng em đã không thể nắm lấy thì Bi xuất hiện. Tôi chạy tới chỗ Bi, sốt sắng muốn hỏi chuyện em về việc em đã tự tay đóng sập lại một cánh cửa mà “bố nuôi” đã mở ra cho em.

Tôi giận dữ muốn ngay lập tức thét lên với em câu hỏi rằng em có thật sự muốn “quay về”? Nhưng chưa kịp nói gì đã thấy em từ tốn xin phép tôi đợi em một lát. Em phải đi xin cơm tại một quán cơm chay...

Tôi lại ngồi chết lặng, đợi em về. Phải 30 phút sau mới thấy em quay lại. Em ngồi đó, vẫn cái vẻ nhẫn nhịn, cam chịu. Còn tôi lại mất bình tĩnh, dồn dập đưa ra những câu hỏi trách cứ: Em có thật sự muốn được cai nghiện hay không? Tại sao có một người tốt như vậy đã cưu mang em mà cuối cùng em lại từ chối? Em đã không tự cố gắng để cứu cuộc đời mình? …

Thấy tôi to tiếng một hồi, em ngắt lời: Chị nói nhỏ thôi! Chị nói thế, người ta biết (em bị nghiện ma túy - PV) thì ai cho em nữa. Chị tưởng em muốn thế này à? Em mệt mỏi lắm rồi! Chị có dính vào nó đâu mà chị hiểu được”.

Thấy em có vẻ xúc động, tôi lại nhỏ nhẹ hỏi chuyện. Em kể cho tôi nghe hành trình mệt mỏi, tuyệt vọng và đơn độc chống lại ma túy của mình: “Em cũng muốn cai lắm chứ. Ngày em theo bố Tín về nhà, em đã rất hi vọng. Nhưng rồi em lại tuyệt vọng trốn trở lại bến xe mấy ngày sau đó. Bố chỉ cai bo. Hàng ngày bố thả em ở nhà với một bà già và mấy đứa trẻ, còn bố thì đi làm cả ngày. Làm sao mà em chịu được”.

Sau lần được giúp đỡ cai mà không thành công đó, Bi còn quyết tâm tự cai thêm một lần nữa. Em bắt đầu lên kế hoạch cho mình. Em xin đi nhờ xe Bắc – Nam. “Em tính khi lên xe đó, cả đi cả về sẽ mất tới một tuần. Vậy là em sẽ có một tuần ở trên xe không thể tìm được ma túy. Xe chạy đung đưa như vậy thì em sẽ đỡ đau đớn, buồn bực hơn. Suốt một tuần đó em chỉ cố ngủ. Đến bữa các anh lại gọi em dậy cho ăn cơm nhưng em không ăn được”.

Em khoe lần đó em đã “cai sống” được 8 ngày. Nhưng những nỗ lực ấy cuối cùng cũng thất bại. “Kết thúc chuyến đi, đêm đầu tiên trở lại bến xe, em giật mình thấy mình lại vật vờ ngoài đường. Không chỗ ngủ. Không người thân thích. Buồn chán nên em lại tìm ma túy” – Bi ngậm ngùi kể lại.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi2_1
Bi cảm thấy mệt mỏi vì những gì đã và đang diễn ra với mình

Rồi em còn kể đến một cơ may khác cũng vụt bay: Một lần em bị công an bắt đi. Một bác công an làm to lắm ở trên quận, bác Trường thì phải. Bác ấy hỏi han hoàn cảnh em thì thương lắm. Bác nói em hát cho bác nghe. Bác bảo sẽ xin cho em đi cai. Nhưng rồi cũng không được. Bác bảo trường hợp của em, có đưa đến trại cai nghiện thì người ta cũng sẽ trả về thôi. "Đấy, một ông làm to như vậy mà còn không giúp được em. Vậy thì em còn biết làm gì?”, em kết luận.

Tôi không trả lời được câu hỏi của em, chỉ biết lặng yên ngồi nghe những lời tuyệt vọng. Em kể, cách đây vài tháng, nghe các bạn nghiện nói có một trung tâm cho uống thuốc methadol chỉ có tám nghìn đồng một ngày. Em sung sướng vội đi xe ôm đến. Nghĩ là mình được cứu rồi, được sống rồi. Nhưng cuối cùng lại thất vọng trở về. “Người ta lại hỏi chứng minh thư” – Em ngao ngán giải thích.

Tôi động viên em là vẫn còn hi vọng. Em vẫn còn có quê hương, có người thân, em có thể nhờ họ giúp đỡ, ít nhất là nhờ họ đứng ra làm giúp những giấy tờ tùy thân để em được làm công dân, để em được đi cai nghiện. Tôi vẽ ra cho em một hi vọng, một con đường, dù chính mình cũng không có nhiều niềm tin. Nhưng cứ cố mà đi... Tôi quyết định nói về ý định tìm đến quê hương của em.

Em lục tìm trí nhớ một lát rồi chỉ dẫn tôi: “Chị đi xe Kim Sơn kia kìa. Về đến bến xe Kim Sơn thì chị hỏi về Cầu Ngói. Gần thôi, chị đi bộ cũng được, nhưng chị đi xe ôm cho khỏi mệt. Đến Cầu Ngói thì chị hỏi thăm về nhà cậu Hòa làm nghề dệt thảm nhé. Nhà cậu Hòa ở gần cầu, nhà cậu Ngọ thì xa hơn. Chị về đó thì gọi em là Bình nhé, em tên thật là Bình. Bi chỉ là tên mọi người ở đây gọi em thôi”.

Em dẫn tôi ra xe, nói 15 phút nữa là xe chạy. Tôi bước lên xe mà lòng không khỏi lo lắng. Đã 2 giờ chiều, nếu em không nói dối tôi và nếu trí nhớ của em không nhầm thì 6 giờ tối tôi mới tới nơi và tôi sẽ bắt đầu hành trình tìm kiếm ở một nơi chưa bao giờ đặt chân tới.

Nhưng nhìn cái dáng hình lòng khòng đang bước những bước vội vã, nghiêng ngả của em giữa dòng người ồn ã xuôi ngược nơi bến xe, nghĩ đến việc cái thân hình rời rã, bé nhỏ ấy đang phải một mình đeo mang nỗi tuyệt vọng khôn cùng nhưng vẫn cố bám lấy mọi hi vọng khi có thể, tôi vững dạ lên đường.

(còn nữa)


Hương Hoàng - vtc.vn

Chữ ký của minhquebinh



Trả lời nhanh

#4Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Empty Wed Aug 24, 2011 9:07 am


minhquebinh
minhquebinh
Thành Viên VIP
Thành Viên VIP
   https://www.facebook.com/tranminhthu11112007
Thông Tin minhquebinh
Giới tính : Nữ
Đến từ : HCM
Biệt danh : m
Tuổi : 43
Ngày tham gia : 12/08/2010
Posts : 760
Points : 1437
Thanked : 98

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Vide

Bài gửiTiêu đề: Re: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'

Chủ đề: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'
--------------------------------------------------

Lần tìm thân phận cậu trai bị chị gái 'dẫn vào đời



(VTC News) - Tôi đã lặn lội tìm về quê hương của Bi để rồi hiểu ra vì sao em lại không gia đình, không quê hương, không “lối về”. Hoàn cảnh của em còn bi thảm hơn những gì em kể… Tôi đã đi, để biết để biết cuộc đời thì luôn rộng lớn hơn mọi suy đoán, nghi kị, để vượt lên cái lý lẽ mà người đời thường nói: “Đừng nghe thằng nghiện thanh minh”.

Đáp xe tới Thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), tôi hỏi thăm về Cầu Ngói. Người đàn bà bán nước ở bến xe nói cầu cách đây khoảng một cây số thôi, đi bộ cũng được. Vậy là em nói đúng. Tôi bắt đầu yên tâm hơn.

Lá bài hộ khẩu để Bi được cai nghiện

Tới cầu Ngói, bác xe ôm còn tận tình hỏi giúp tôi nhà “cậu Hòa”. Vừa lúc đó có một người phụ nữa đi qua, anh bán hàng nước ở chân cầu chỉ: “Vợ bác Hòa đó. Còn bác Hòa thì mất cách đây hơn một năm rồi. Bác Hòa ơi!” (ở quê, người ta thường gọi vợ theo tên chồng – PV). Tôi nghi ngờ hỏi lại: “Bác Hòa làm nghề dệt thảm, là anh em với bác Ngọ cơ”. Anh hàng nước bảo “Thì đúng rồi”. Tôi vội vã cám ơn anh rồi chạy đuổi theo người phụ nữ đang đi phía trước.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi5
"Gia đình anh em ai cũng nghèo nên khó để giúp đỡ cho Bi', chị Thảo nói
Chị Hòa ngạc nhiên trước người khách lạ. Chị dẫn tôi vào một ngôi nhà nhỏ chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc tủ để ti vi, một bộ bàn ghế uống nước đơn sơ và vài đồ đạc thiết yếu trong sinh hoạt gia đình. Trong bóng tối nhập nhèm của ngọn đèn nhỏ không đủ chiếu sáng cho căn phòng, người đàn bà trung niên gày gò giới thiệu chị tên là Lê Thị Thảo, là vợ của anh Trần Văn Hòa.

Tôi nói với chị, tôi về để tìm cậu mợ của em Bi (tên ở nhà gọi là Bình - PV) đang sống ở bến xe Niệm Nghĩa, Hải Phòng. Chị Thảo ngơ ngác không hiểu. Tôi sửa lại là tìm cậu mợ của em Bình, anh trai của em Đ.. Lúc ấy chị mới hiểu ra. Chị hỏi, tìm được thằng Bình rồi à. Tôi nói Bình bị nghiện ma túy nhiều năm rồi và đang cần giúp đỡ làm hộ khẩu để đi cai nghiện, chị tỏ vẻ nghi ngại, hỏi dồn dập: “Thế có vấn đề gì không, công an người ta điều tra à?”. Sau khi trấn an chị là Bình không có vấn đề gì với pháp luật cả, tôi chỉ cần gia đình giúp đỡ làm hộ khẩu để em được đi cai nghiện, chị mới yên tâm.

Rồi chị kể, “Từ ngày chị Soi (mẹ của Bi – PV) mất, mọi người không thấy chị em thằng Bình (tức Bi - PV) về nữa. Nhưng cuối nhăm 2008 thì Đ. về cùng với một người phụ nữ làm nghề luật sư gì đó để nhờ làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho thằng Đ.. Hình như vợ chồng chị ấy nhận thằng Đ. làm con nuôi. Họ đi cả ô tô về nữa. Nhưng công an ở đây nói họ không biết ai với ai, chị Soi không có hộ khẩu tại địa phương nên không làm được. Sau thì họ nhờ nhà Dũng ở Đồng Hướng (xã Đồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình) vì chị Soi trước là người gốc ở đó. Ông Dũng là anh em họ với chị Soi về đằng ngoại, còn chồng tôi với chị là chị em họ về đằng nội. Còn cậu Giao, dì Cậy … trong Đồng Nai thì mới là chị em ruột với chị Soi”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi vẫn nghĩ như Bình nói, rằng Đ. còn nhỏ và đang được cậu mợ nuôi cho ăn học tử tế. Tôi thắc mắc thì chị tâm sự, nhà chị nghèo, họ hàng nhà chị ai cũng nghèo cả, chồng chị hơn một năm trước đã chết vì xuất huyết não khi đang đi nấu cơm cho đội đào vàng ở tận Cà Mau. “Anh em kiến giả nhất phận, ai cũng nghèo nên có ai nhìn mặt ai đâu. Nên khi chị Soi mất, chúng tôi cũng không nuôi được tụi nhỏ”.

Anh em 9 năm xa cách ngàn trùng

Tôi hỏi chị cách liên lạc với Đ., chị bảo chị mất điện thoại nên không còn số của chị Hồng (người đi cùng Đ. về làm giấy khai sinh) nữa. Nhưng chị chỉ cho tôi tìm nhà ông Dũng, người bác họ giúp làm giấy khai sinh cho Đ.: “Cô cứ về xã Đồng Hướng, hỏi trường tiểu học Đồng Hướng, nhà ông Dũng ở gần đó”. Tôi cảm ơn chị rồi lại tiếp tục lên đường.

Tìm vào nhà ông Dũng khi đã tối muộn. Ông Dũng đang nằm xem chương trình thời sự buổi tối trên ti vi. Nghe tôi hỏi Đ., ông vội khoe, chính ông đã cho Đ. “nhập” vào hộ khẩu nhà ông, chứ “nhà Hòa nó ác lắm, nó không làm hộ khẩu được cho thằng Đ. nhưng nó cũng không nói là Đ. còn có tôi là bác họ. Chắc nó nghĩ thằng Đ. giầu rồi. Sau công an người ta mới lần ra tôi vì thằng Đ. không biết tôi, người ta cũng thương mà linh động làm giấy khai sinh chứ nó sinh ở bến xe và không được làm giấy khai sinh như tất cả chị em nó”.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi4
Ông Dũng kể về việc bố của Bi sống bằng nghề ăn xin, mẹ chủ yếu đi bán máu để có tiền...

Tôi nói chuyện về Bình, ông chả tỏ gì ngạc nhiên: “Ngày trước con Hà (chị cả của Bình - PV) cũng về đây nhờ tôi làm chứng minh thư cho, nhưng tôi không làm. Tôi bảo thẳng, chị em mày mà dính đến ma túy thì đừng có về đây mà cậy nhờ điều gì”.

Tôi hỏi ông về gia cảnh nhà Bình, ông cũng tâm sự cởi mở. Mẹ Bình vốn người ở Đồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình. Thời con gái, mẹ Bình có yêu một anh bộ đội miền Nam đóng quân ở đây. Khi biết mình mang bầu thì người yêu đã về Nam. Xấu hổ, mẹ Bình đã bỏ lên Hà Nội, sống lang thang ở bến xe, bến Tàu bằng “nghề” bán máu. Rồi mẹ Bình gặp một ông già ăn xin ở bến xe thì sống cùng. Mẹ Bình có thêm ba người con nữa là Hòa, Bình và Đ.. Cả gia đình Bình sống lang thang ở các bến xe, khi thì ở bến Hà Đ., khi lại sang bến Giáp Bát. Mẹ Bình thì bán máu, bố đi ăn xin còn các con thì hát rong ở bến xe.

Đúng ngày 2/9/1998, mẹ Bình bị tai nạn giao thông ở gần bến xe Hà Đ.. Khi mẹ Bình chết, ông Dũng đưa về quê xin chôn cất. Ban đầu làng còn không cho chôn ở nghĩa địa của làng vì mẹ Bình đã bỏ đi biệt xứ từ lâu, “không có đóng góp gì cho địa phương”. Sau khi lo hậu sự cho mẹ Bình xong thì bố Bình cũng bỏ đi luôn, ông Dũng phải đưa bốn chị em Bình vào Đồng Nai “bàn giao” cho người cậu ruột của Bình tên là Giao nuôi dưỡng. “Nhưng được mấy năm thì tôi nghe cậu Giao gọi báo chị em chúng nó đã bỏ ra Bắc cả rồi. Từ đó tôi cũng không tìm chúng nó nữa, chỉ nghe nói chúng nó lại hát rong ở bến xe và cái Hà thì dính vào ma túy và dẫn cả thằng Bình vào. Sau đó thì chúng nó lạc nhau. Cái Hà thì vào tù” – ông Dũng bình thản kể chuyện. Ông bảo, ông là dân lao động nên “không ưa cái giống lười lao động ấy”.

Tôi hỏi ông về Đ., ông lấy điện thoại, dở cuốn sổ tay nhỏ tìm số điện thoại rồi bấm máy. Một cô gái trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ rất lịch sự rằng Đ. đang đi ra ngoài, cô sẽ gọi cho Đ. để báo tin và nói Đ. gọi lại. Trong lúc chờ Đ. liên lạc lại, ông Dũng kể, Đ. đang sống trong một trung tâm bảo trợ trẻ em của một tổ chức nước ngoài ở Hà Nội. “Ông giám đốc hình như là bố nuôi nó. Nó mà xin ông độ một nghìn USD là thoải mái xây mộ cho mẹ nó. Tôi bảo nó rồi, mộ của mẹ nó bây giờ còn nhỏ lắm, sắp mất cả mộ đến nơi nếu không xây gấp”.

Nói xong, ông Dũng lại bấm điện thoại gọi cho cô gái, giọng quát nạt hỏi “tại sao không thấy thằng Đ. gọi lại? Có người từ Hải Phòng người ta tìm thấy anh trai nó đây này”. Cô gái vội cho ông số điện thoại của Đ., ông lập tức bấm máy. Đ. vừa nghe máy thì ông lại tiếp giọng giận dữ quát nạt. Để dịu đi không khí căng thẳng, tôi xin phép được nói chuyện với Đ..

Tôi thông báo tình hình của Bình cho Đ. biết và hỏi ý Đ. thế nào. Đ. trả lời bằng chất giọng khá bình tĩnh khiến tôi cũng phải ngạc nhiên, nhưng những câu hỏi rối rắm của Đ. đã “tố cáo” nỗi xúc động của em. Chính tôi cũng đang vui mừng khôn xiết cho Bình. Chưa biết có cơ hội nào cho em cai nghiện được không khi Đ. cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ được một trung tâm bảo trợ trẻ em nuôi dưỡng, nhưng em đã tìm được người thân, em đã có gia đình!

Cuộc hàn huyên đẫm nước mắt

Đ. hỏi tôi khi nào tôi có thể về Hà Nội được. Tôi lo lắng sẽ không còn xe để về ngay trong đêm, nhưng hiểu nỗi bồn chồn của em, tôi an ủi bằng lời hứa rằng tôi sẽ cố gắng về ngay trong đêm để sáng hôm sau gặp em. Em cảm ơn rồi cúp máy. Còn tôi, mặc cho ông Dũng khuyên nên ở lại để sáng hôm sau về sớm vì không còn xe khách về Hà Nội nữa, tôi vẫn lao ra đường giữa đêm tối. Tìm xe một hồi không được, tôi đánh liều vẫy một chiếc xe tải xin đi nhờ ra thành phố Ninh Bình. Cuối cùng tôi cũng về được bến xe nước ngầm lúc hơn 11 giờ đêm. Trước đó, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của Đ., em xin được gặp tôi ngay trong đêm.

Chúng tôi tới ngồi ở một quán nước bên vỉa hè. Nói chuyện qua điện thoại với em tôi đã cảm nhận ở em sự già dặn so với cái tuổi 15 (Đ. sinh năm 1996). Khi gặp mặt, em vẫn khiến tôi ngạc nhiên vì sự chững chạc, bản lĩnh, có phần lì lợm toát ra từ cái thân hình nhỏ bé, gầy guộc không khác mấy người anh trai. Đ. bình tĩnh hỏi chuyện anh Bình giờ ra sao. Tôi rút ra tờ báo tặng em. Trong bóng tối nhập nhoạng, em ngồi đọc lướt qua bài báo rồi cẩn thận gấp lại, ngồi nói chuyện với tôi.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi6
Giữa đêm tối mịt mùng, Đ. như câm lặng khi nhớ về người anh bao năm xa cách

Đ. kể chuyện về gia đình mình một cách dè dặt, em nói khi đó em còn quá nhỏ. Nhưng khi tôi hỏi em gặp anh trai lần cuối khi nào thì em trả lời dứt khoát là năm 2002, khi đó em 6 tuổi, còn anh trai 12 tuổi. Khi giữa chúng tôi đã có chút thân thiện, dưới ánh đèn đường mờ ảo sương đêm, Đ. kể về bi kịch cuộc chia li gần 10 năm của hai anh em: Sau khi chị Hà đưa em và Bình ra Hà Nội, chính mắt em đã chứng kiến cảnh chị Hà cho anh Bình dùng ma túy, bắt Bình và Đ. đi hát xin tiền. Mỗi ngày Bình bị “giao khoán” phải nộp cho chị bao nhiêu tiền, nếu không nộp đủ là bị đánh, bị dọa không cho dùng “thuốc”.

Người chị gái thứ hai sợ người chị cả đưa nốt Đ. “vào đời” nên chạy ra ở riêng cùng với bà hàng nước ở bến xe Giáp Bát và dẫn Đ. theo. Ít lâu sau đó thì người chị thứ hai theo “chồng” vào TP Hồ Chí Minh cùng với Đ.. Ít lâu sau thì Đ. đã bỏ về bến xe Giáp Bát, bắt đầu cuộc sống của một đứa trẻ lang thang, lưu lạc. Từ đó Đ. không gặp lại các chị và anh Trai nữa. Tôi hỏi em ngày đó sao lại bỏ trốn, em bảo em còn quá nhỏ nên không nghĩ gì cả. Nhưng nghe Đ. kể về Bình, một người anh trai rất nhường nhịn thương yêu em và có biệt tài tạo ra âm thanh từ hai cái chén khi hai anh em lang thang đi hát, tôi tin cậu bé Đ. 6 tuổi ngày đấy thực sự muốn đi tìm người anh trai của
mình.
[size=9]
Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' BI8_1
Dù gục ngã nhưng trong sâu thẳm con người Bi luôn khát vọng để sống, để cai nghiện


Trước khi từ biệt tôi ra về, Đ. tha thiết nhờ tôi ngay sáng hôm sau dẫn em đi tìm anh trai. Đ. kể, suốt mấy năm lang thang ở bến xe, rồi đến 3 năm trong trại giáo dưỡng số 4 ở Ba Vì cộng với 4 năm ở Trung tâm bảo trợ trẻ em, lúc nào Đ. cũng nung nấu kế hoạch đi tìm lại anh trai và người chị gái thứ hai. “Em đã về Hải Phòng tìm anh Bình một lần nhưng không gặp, em nghe lái xe ở bến Giáp Bát nói gặp anh ấy ở Hải Phòng thế là em đi luôn. Em đã gửi cả thư lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nữa, nhưng chưa thấy người ta giúp. Em sợ là anh ấy chết rồi. Anh ấy nghiện như thế, tiền lại không có thì làm sao mà sống được. Giờ em sẽ tìm anh ấy. Dù thế nào thì anh em cũng sống chết có nhau …”

Đêm ấy, trong sương khuya lạnh, tôi trở về nhà với thân xác rã rời nhưng trái tim thì háo hức với niềm vui chờ đợi một cuộc hành ngộ của hai anh em mồ côi sau 9 năm lưu lạc.

(Còn nữa)
Hương Hoàng - vtc.vn

Chữ ký của minhquebinh



Trả lời nhanh

#5Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Empty Tue Sep 06, 2011 1:48 pm


minhquebinh
minhquebinh
Thành Viên VIP
Thành Viên VIP
   https://www.facebook.com/tranminhthu11112007
Thông Tin minhquebinh
Giới tính : Nữ
Đến từ : HCM
Biệt danh : m
Tuổi : 43
Ngày tham gia : 12/08/2010
Posts : 760
Points : 1437
Thanked : 98

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Vide

Bài gửiTiêu đề: Re: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'

Chủ đề: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'
--------------------------------------------------

Cuộc hạnh ngộ của cậu trai bị chị gái ‘dẫn vào đời’


(VTC News) - Khi những người bạn đồng hành đã nản chí mà bỏ về Hà Nội sau một buổi chiều mệt mỏi vì chờ đợi, tìm kiếm Bi không được, tôi vẫn kiên trì ở lại, để rồi đến trưa ngày hôm sau mới “chộp” được em và đưa em về đoàn tụ với người em trai.


Chín năm cho một cuộc hạnh ngộ mà cả hai anh em đều nghĩ sẽ không bao giờ còn có được nữa, đến phút cuối cùng vẫn đầy gian nan. Nhưng những tia nắng đầu tiên đã bắt đầu lấp lánh nơi cuối trời...

Những giây phút đợi chờ

Chúng tôi đã không thể khởi hành ngay trong buổi sáng để kịp tới bến xe Niệm Nghĩa đúng giờ “làm việc” của Bi ở bến xe. Là ngày nghỉ nên Đ (em trai của Bi - PV) phải đợi đến buổi trưa mới gặp được các nhân viên của trung tâm đang bảo trợ em để báo cáo về người anh trai lưu lạc mà có lúc em nghĩ là đã chết. 1 giờ 30 phút chiều chúng tôi (tôi, Đ và một anh nhân viên của trung tâm bảo trợ của Đ) mới bắt đầu xuất phát.

Trên suốt đường đi, Đ vẫn tỏ ra “lì lợm, ít nói”. Khi tôi nói với Đ về khó khăn trong thời gian đầu đưa anh trai về mà chưa tìm được chỗ cai nghiện cho Bi, có khi phải chấp nhận kiếm “thuốc” cho Bi, Đ cũng chỉ trả lời gọn lọn: “Em biết rồi”, rồi lại đứng ngoài những câu chuyện dông dài cho quên nỗi đường xa của chúng tôi. Hai tiếng sau chúng tôi mới có mặt ở bến xe Niệm Nghĩa và bắt đầu tìm kiếm.

Chúng tôi vào ngồi ở quán nước mà Bi hay “lởn vởn” quanh đó. Chị bán nước bảo: “Hôm nay chỉ thấy Bi làm việc một lúc buổi trưa. Một giờ, một rưỡi đã không thấy Bi đâu rồi. Cứ ngồi đây đợi, từ giờ tới 6, 7 giờ tối thể nào nó cũng quay lại”.
Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi7
Đường tàu nơi Bi (tức Bình) vẫn thường hay có mặt


Thấy chúng tôi sốt sắng tìm Bi, đứng ngồi không yên, mấy anh lái xe bảo: “Cứ yên tâm ngồi đó đợi thôi, thể nào lát nữa Bi cũng quay lại, buổi chiều nó hay giúp xách nước hộ các bà hàng nước mà”. Một anh đứng bên nghe thế thì bảo: “Gần đây nó không xách nữa rồi. Nó giờ có xách nổi xô nước nữa đâu mà”.

Chị Loan bán nước thì nhận định: “Chắc Bi thấy có người tìm nên trốn rồi. Chứ làm sao mà hôm nay mới tầm 1 giờ chiều đã không thấy đâu”. Tôi thì không tin Bi tránh mặt, bởi Bi không thể biết chuyện tôi xuống tìm em, hơn nữa tôi hiểu, Bi cũng đang rất mong được giúp đỡ, em đã vui mừng tiễn tôi lên xe tìm về quê hương em. Nhưng Đ. thì dường như tin lời chị Loan, em tỏ ra lo lắng, bồn chồn hơn.

Bến xe dần vắng người, quán nước chỉ còn lại chúng tôi và mấy anh lái xe tuyến Bắc – Nam đang nói chuyện bằng giọng miền Nam. Chị bán nước cũng bắt đầu dần thu dọn hàng. Chúng tôi rời quán nước, lại tìm kiếm một vòng quanh bến xe trước khi rời bến, ra ngồi ở quán nước bên đường, đối diện với cổng vào của bến xe và tiếp tục chờ đợi.

Đôi mắt vô hồn ở bến xe

Đ vẫn mang bộ mặt câm lặng, đôi mắt chỉ đăm đăm nhìn sang bến xe bên đường. Tôi cũng bồn chồn, căng thẳng không kém. Cảm giác chờ đợi mà không có cái gì bám víu vào làm ngạt con tim. Có lẽ không thể ngồi yên một chỗ chờ đợi vô vọng được nữa, Đ quay sang anh nhân viên của trung tâm bảo trợ trẻ em xin tiền vào quán internet gần bến xe để thử vận may (trước đó tôi có cho Đ nickname của Bi). Một lát thấy Đ lặng lẽ trở về, lại ngồi chết lặng, mắt “dính chặt” vào cổng bến xe, chốc chốc lại châm thuốc hút.

Rồi đột nhiên Đ chỉ tay sang bên đường hỏi: “Chị ơi có phải anh em đó không?”. Tôi vội vàng phóng mắt nhìn theo hướng chỉ của Đ. Cũng cái dáng lòng khòng, thấp bé ấy, cũng đôi cánh tay thõng thượt, ve vẩy theo bước chân vội vàng, cũng cái đầu ngặt nghẹo gục xuống. Tôi lao băng qua đường, giữa dòng xe đang vội vã xuôi ngược với niềm hi vọng và hồi hộp dâng trào. Nhưng không phải Bi. Tôi trở lại quán nước, lặng lẽ không nói một lời. Đ cũng không hỏi, lại ngồi bất động trên ghế nhìn xa xôi.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' BI8
Bi cúi mặt để khóc giấu đi những giọt nước mắt hạnh phúc khi gặp em trai


Trời đã bắt đầu tắt nắng. Không còn đủ kiên nhẫn tiếp tục ngồi một chỗ chờ đợi, tôi đánh liều lên đường tàu, nơi tập trung chích hút của các con nghiện. Dọc đường ray, chốc chốc tôi lại bắt gặp những chiếc xi lanh nằm chỏng chơ. Vài thanh niên thản nhiên ngồi chích thuốc. Cạnh đó là mấy chị phụ nữ ngồi trước cửa nhặt rau cho bữa cơm chiều, mấy em nhỏ chơi đùa quanh chân mẹ.

Tìm quanh một lượt nhưng không thấy Bi đâu. Bác xe ôm đưa tôi đi bảo: “Có thể nó hát ngoài chợ, cũng có khi đang hát ở mấy quán ăn trên phố. Hay là nó đang “chơi” ngoài bờ sông rồi. Thế đã ra đó chưa?”. Nghe mà nản, một kẻ lang thang không nhà không cửa thì có thể ở bất cứ đâu, biết đâu mà tìm giữa biển người tấp nập.

Khi tôi trở lại quán nước, trời đã bắt đầu tối. Đ vẫn ngồi bất động, mắt không rời khỏi cổng bến xe, dù bến xe đã đóng cửa. Tôi hỏi Đ giờ định thế nào, có ở lại để hôm sau tìm tiếp hay trở về Hà Nội. Đ nói về Hà Nội, mấy hôm nữa sẽ quay lại tìm tiếp. “Em sợ anh ấy biết em tìm anh ấy nên anh ấy tránh mặt rồi. Chứ người ta bảo bình thường anh ấy vẫn quanh quẩn ở bến xe đến khi bến xe đóng cửa cơ mà. Anh ấy bây giờ như vậy thì anh ấy sẽ không muốn gặp em đâu. Nếu là em thì em cũng sẽ không gặp” – Đ lo lắng.

Cũng có thể điều Đ lo lắng là đúng. Nhưng tôi vẫn hoài nghi khả năng đó. Bởi Bi đã không còn ở bến xe trước khi chúng tôi xuống, em không biết chúng tôi tìm em, em cũng không biết gì về chuyện Đ đang tìm em để mà tránh mặt. Hơn nữa, tôi không tin em muốn tránh mặt tôi, bởi tôi hiểu đằng sau nỗi tuyệt vọng vô bờ trong em là một khát vọng mãnh liệt được sống, được “trở về”. Chuyện phải chờ đợi, kiếm tìm mòn mỏi một người sống lang thang không nhà không cửa trong một thành phố đông đúc mà vẫn không gặp là chuyện bình thường. Chính tôi đã nhiều lần phải mòn mỏi đợi chờ em như thế.

Nghĩ vậy và tôi quyết định một mình ở lại, hôm sau, chỉ cần đợi đến khoảng 12 giờ trưa như mọi lần thì ắt tôi sẽ gặp được Bi. Tôi không muốn phải kéo dài thêm cuộc chia li đã gần 10 năm của hai anh em mồ côi đáng thương ấy, dù chỉ một ngày. Vậy là tôi chia tay Đ, nói em cứ yên tâm về nghĩ giúp anh cai nghiện, rồi tôi lang thang trong thành phố tìm chỗ ngủ.

10 giờ sáng hôm sau tôi trở lại bến xe Niệm Nghĩa...


Cuộc gặp đẫm nước mắt

12 giờ trưa, vẫn không thấy bóng dáng Bi đâu. Cái nóng oi ả giữa trưa hè nơi bến xe ồn ã càng khiến cảnh chờ đợi thêm căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng tôi không có cách nào khác là phải kiên nhẫn chờ đợi. Chợt tôi nhác thấy từ xa cái dáng lòng khòng của Bi đang tiến vào bến xe từ cổng bên kia. Cuối cùng thì tôi cũng đã đợi được cái thời khắc kì diệu này. Chỉ vài giờ nữa thôi, hai anh em mồ côi lưu lạc 9 năm trời tưởng chẳng còn có ngày đoàn tụ sẽ được hội ngộ. Tôi co chân vội chạy tới túm ngay lấy Bi. Vừa chạy vừa gọi thông báo tin mừng cho Đ.

Bi gặp tôi thì toét miệng cười, hỏi tôi hôm trước có tìm được cậu mợ em không? Tôi nói đã tìm được cách giúp em đi cai nghiện và nói em về Hà Nội cùng tôi. Tôi chưa dám nói chuyện về Đ, sợ em có thể không đi. Em ngỡ ngàng reo lên: “Thật hả chị, chị không lừa em đấy chứ?”.

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi9_1
Nụ cười hạnh phúc rạng ngời


Khi chúng tôi quay lại bến xe, em chỉ đến chào mấy cô hàng nước, nói sẽ đi Hà Nội, rồi theo tôi lên xe. Em không có bất cứ tài sản gì mang theo. Vừa “chơi” xong nên em ngủ suốt hành trình. Còn Đ thì liên tục nhắn tin hỏi đã đi đến đâu, anh trai có khỏe không…

Ngồi đợi Đ tới đón ở bến xe, tôi hỏi chuyện: “Bi còn nhớ em Đ không?” – “Nhớ chứ. Em nhớ nó lắm. Nhiều đêm em nằm em nghĩ đến nó mà khóc. Đã bao lần em muốn cai được, có tiền em sẽ đi tìm nó. Nhưng em thế này… Chắc là chẳng bao giờ em còn gặp được nó nữa” – “Thế bây giờ gặp lại Đ em có nhận ra không?” – “Có chứ. Em nhận ra ngay”…

Chúng tôi đang dở câu chuyện thì Đ xuất hiện. Bi thấy Đ đến thì lập tức nói: “Chào anh ạ!”. Đ bình thản bảo: “Em là Đ đây. Anh có biết em là ai không?”. Bình rụt rè lắc đầu nói không biết. Tôi xen vào hỏi Bình: “Thế em trai em tên là gì? Sao em nói gặp lại em sẽ nhận ra ngay?”. Bình ngước nhìn Đ, mặt tái đi, miệng vẫn ngắc ngứ hỏi: “Thật á? Anh là Đ á?”, rồi gục mặt xuống khóc.
Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Bi10_1
Cuộc đoàn viên giữa anh em Bi với sự tư vấn của nhân viên bảo trợ trung tâm trẻ em...


Đ lúc này vẫn khá bình tĩnh, chỉ nói một câu dứt khoát: “Không phải khóc”, rồi lôi Bi lên xe máy, quay lại nói tôi sang bên trung tâm đang bảo trợ đợi ở đó, em đưa Bi đi tắm rửa xong sẽ sang ngay, rồi lao vút đi. Tôi nhìn theo dáng Bi đang ngồi lom khom trên xe, đầu gục xuống cánh tay che đôi mắt đỏ hoe, còn Đ vẫn chỉ nói một câu dứt khoát: “Không phải khóc!”.



“Em giờ chỉ ước mẹ em sống khôn chết thiêng phù hộ cho em cai được, em sẽ đi làm nuôi Đ. Em muốn bù đắp cho Đ những tháng ngày khổ sở, thiệt thòi trước đây. Dù em sống cũng chẳng sung sướng gì, nhưng em là anh nên em phải có trách nhiệm lo cho Đ. Tình cảm cha mẹ nó quý lắm chị ạ, quý hơn tất cả. Đ thì mất cha mẹ khi mới chập chững biết đi, anh chị cũng lạc mất…”.

Nghe những lời tâm sự ấy của Bi, tôi hiểu đằng sau niềm hạnh phúc vô bờ của hai anh em trong cuộc hạnh ngộ không ngờ tới này là rất nhiều ưu tư, lo lắng. Con đường phía trước của hai anh em mồ côi còn quá nhiều gian nan.

“Đời em, em không xác định là sẽ gặp lại Đ đâu. Đ nó cũng nói là nó không xác định sẽ được gặp lại nữa. Anh em mà gặp lại nhau thế này thì hạnh phúc lắm, vui lắm! Nhưng cũng chán lắm! Em giờ thế này... Anh em gặp nhau chỉ khóc, chẳng giải quyết được gì”…

Khi bài viết này đến với bạn đọc. Bi đã bỏ về lại bến xe Niệm Nghĩa vì nhiều nỗi niềm riêng. Nhưng trung tâm bảo trợ trẻ em – “gia đình” của Đ như em nói - cũng đang tiến hành kế hoạch đưa Bi đi cai nghiện ma túy. Mong rằng các cơ quan nhà nước giúp làm các thủ tục cần thiết, để không vì chuyện thủ tục hành chính mà vô cảm trước số phận một con người.


Hoàng Hương
[You must be registered and logged in to see this link.]

Chữ ký của minhquebinh



Trả lời nhanh

#6Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Empty


Sponsored content

   
Thông Tin Sponsored content

Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Vide

Bài gửiTiêu đề: Re: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'

Chủ đề: Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'
--------------------------------------------------

Chữ ký của Sponsored content



Trả lời nhanh

Bài viết mới cùng chuyên mục

Bài viết liên quan


Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời'Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang
Trang 1 trong tổng số 1 trang
* Viết tiếng Việt có dấu, là tôn trọng người đọc.
* Chia sẻ bài sưu tầm có ghi rõ nguồn, là tôn trọng người viết.
* Thực hiện những điều trên, là tôn trọng chính mình.
- Nếu chèn smilies có vấn đề thì bấm A/a trên khung viết bài.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Huyện Thăng Bình :: 

Nhịp Sống

 :: 

-‘๑’-Cuộc Sống Quanh Ta-‘๑’-

-
Powered by: phpBB version 2.0 - Nguồn: c3zone
Copyright© http://thangbinhclub.tk - 2000 - 2011.
Chúng tôi không chịu bất cứ trách nhiệm nào về nội dung bài viết của thành viên.

Trang ChínhTrang Chính  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  Quên Mật KhẩuQuên Mật Khẩu  
Chào mừng bạn đến với diễn đàn ThangbinhClub! Vui lòng hoặc Đăng ký Đường sa ngã của thiếu niên bị chị gái 'dẫn vào đời' Toggle12
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất